Chuyển đến nội dung chính

Vỡ nợ trái phiếu, người mua có đòi được tiền?

 


Sau khi Bộ Công An khởi tố các vụ án liên quan đến trái phiếu tại các công ty Tân Hoàng Minh và An Động (Vạn Thịnh Phát) , khiến hàng chục nghìn nhà đầu tư mua trái phiếu của những doanh nghiệp này đang vô cùng lo lắng, bất an về số tiền đầu tư của mình. Nhiều nhà đầu tư sau khi xảy ra chuyện mới vỡ lẽ là mình mua trái phiếu, mà trước đó họ còn nhầm tưởng đấy là sản phảm tiết kiệm của ngân hàng.

Căn nguyên sự kiện này là do đâu, nó ảnh hưởng thế nào đến thị trường tài chính, những người mua trái phiếu liệu có thu hồi lại được tiền hay không?

Trái phiếu là gì?

Câu hỏi trái phiếu là gì nghe tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra với nhiều người, đặc biệt là người trung niên, có tuổi và không hiểu về tài chính lại hoàn toàn mù mờ và xa lạ. Hiểu một cách nôm na thì trái phiếu là 1 khoản nợ, trong đó bên đi vay là một tổ chức ( gọi là tổ chức phát hành) và bên cho vay gọi là trái chủ, tức người sở hữu trái phiếu.

Những trái phiếu người dân mua hiện nay, gần như tất cả là trái phiếu doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này phát hành những gói trái phiếu (khoản nợ) rồi chia nhỏ khoản nợ đó ra với đơn vị là 1 trái phiếu (thường 1 trái phiếu có mệnh giá là 100,000 đồng). Sau đó họ bán (tức là đi vay người mua trái phiếu) cho cho hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn người mua cá nhân trên thị trường thông qua các kênh phân phối tài chính (thường là các ngân hàng và các công ty chứng khoán)

Cũng tương tự như các khoản vay, có khoản vay là tín chấp, có khoản vay là thế chấp (bằng tài sản), có khoản vay được bảo lãnh thanh toán……. Các trái phiếu cũng có nhiều loại như trái phiếu có tài sản đảm bảo (có tài sản để thế chấp cho khoản vay), trái phiếu được bảo lãnh thanh toán (được một bên thứ 3 như ngân hàng, tổ chức tài chính…. đứng ra bảo lãnh thanh toán gốc và lãi) và loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, không kèm chứng quyền hoặc quyền lợi khác ….. loại này thường được gọi là trái “trơn” có tính chất giống với vay tín chấp.

Quy trình phát hành và phân phối trái phiếu như thế nào?

Để có một đợt phát hành trái phiếu thành công (vay nợ thành công) thông thường cần sự tham gia của các tổ chức tài chính trung gian (ngân hàng, công ty chứng khoán).

Các tổ chức tài chính (TCTC) thường đóng nhiều vai trò, từ tư vấn, đến đại lý lưu ký và phân phối bán trái phiếu.

Với vai trò tư vấn: các TCTC thường tư vấn cho các doanh nghiệp phát hành phương án tài chính, phương án phát hành, các hồ sơ và thủ tục cần thiết để được ủy ban chứng khoán và các cơ quan chức năng phê duyệt.

Với vai tròa đại lý lưu ký: các TCTC thay mặt doanh nghiệp phát hành trái phiếu quản lý việc mua, bán, sở hữu của nhà đầu tư đối với trái phiếu (trái chủ)

Với vai trò phân phối: Các TCTC trực tiếp đi bán trái phiếu cho nhà đầu tư. Với uy tín của mình các TCTC dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư mua trái phiếu hơn nhiều so với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tự đi phân phối. Đặc biệt là các ngân hàng, vốn có sẵn tập khách hàng gửi tiết kiệm đông đảo, rất dễ dàng chào bán các sản phẩm trái phiếu.

Tuy vậy, việc phân phối trái phiếu không chỉ đơn giản vậy, vì các trái phiếu thường có kỳ hạn dài (thường là vài năm, thậm chí cả chục năm) trong khi những nhà đầu tư mua trái phiếu thường chỉ muốn nắm giữ thời gian ngắn, và thực tế đa số những người gửi tiết kiệm tại ngân hàng được mời chào mua  trái phiếu đều nghĩ nó là sản phẩm thay thế và linh hoạt hơn so với gửi tiết kiệm, và thường thời hạn nắm giữ chỉ vài tháng đến dưới 1 năm. Chính vì vậy, các TCTC làm đại lý sẽ kiêm luôn việc băm nhỏ kỳ hạn trái phiếu ra để bán cho khách hàng, thay vì bán đứt trái phiếu cho khách hàng (bán outright) thì các TCTC sẽ chia thành các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng, dưới hình thức hợp đồng mua lại chính trái phiếu mà TCTC đã bán cho khách hàng.

Với quy trình như trên, có thể thấy các TCTC trung gian như ngân hàng, công ty chứng khoán đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể nói là vai trò quyết định sự thành công của các đợt phát hành trái phiếu.

 Đổ vỡ và mất thanh khoản!

Trong giai đoạn 207-2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp BĐS khi khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng đã tìm đến trái phiếu như một cứu cánh về nhu cầu vốn. Với sự giúp sức từ các công ty chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp (mà phần lớn trong số này là các doanh nghiệp BĐS) được phân phối ồ ạt đến tay người dân (đa số đều không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có hiểu biết về các sản phẩm tài chính). Thậm chí rất nhiều trái phiếu là trái “trơn” như trái phiếu An Đông, vẫn được hàng chục nghìn người mua với khối lượng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Hậu quả của sử bùng nổ và dễ dãi này là các doanh nghiệp sử dụng tiền phát hành trái phiếu vô tội vạ, dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng, khi các cơ quan chức năng khởi tố, bắt giữ những tổ chức, cá nhân liên quan, thì những nhà đầu tư trái phiếu mắc kẹt, những TCTC làm đại lý phân phối từ chối mua lại còn doanh nghiệp phát hành thì không biết khi nào trả được tiền cho trái chủ.

Trách nhiệm cho sự đổ vỡ hiện nay không thuộc riêng đối tượng nào, mà tất cả những chủ thể tham gia thị trường đều ít nhiều là nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên mất mát lớn nhất và là đối tượng cần được quan tâm giúp đỡ nhất là những người đã mua những trái phiếu này.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước: đã không tạo được một khung pháp lý chặt chẽ và hợp lý, nhằm phòng ngừa những rủi ro cho thị trường, với sự dễ dãi trong việc phát hành và phân phối trái phiếu, nhiều người mua trái phiếu còn không hiểu mình đang mua cái gì, vẫn nghĩ nó là sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng. Với một sản phẩm tài chính đặc thù như trái phiếu, đáng lẽ nó phải có những quy định chặt chẽ từ việc phát hành, phân phối, công bố thông tin và quản lý giao dịch tập trung. Nhưng cơ quan chức năng dường như đã bị động, liên tục có những động thái “chạy theo” thị trường khi sửa đổi các thông tư, nghị định hướng dẫn hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đối với các tổ chức phát hành: lợi dụng sự dễ dàng của quy định, của thị trường, đã phát hành và chào bán trái phiếu một cách vô tội vạ, vượt qua sự an toàn tài chính của doanh nghiệp, đồng thời sử dụng vốn thiếu trách nhiệm và sai phạm và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự mất thanh khoản của trái phiếu.

Đối với các tổ chức tài chính: vì chạy theo lợi nhuận, các công ty chứng khoán và ngân hàng đã phớt lờ những rủi ro, không cung cấp trung thực thông tin cho khách hàng, thậm chí nhiều trường hợp chèo kéo, cố tình mập mờ đánh tráo khái niệm trái phiếu và sản phẩm tiết kiệm. Khiến nhiều nhà đầu tư hiểu nhầm về sản phẩm.

Đối với nhà đầu tư và người mua trái phiếu: nhiều người thiếu hiểu biết, cả tin nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán tư vấn, quá dễ dãi với đồng tiền đầu tư của mình mà ko tìm hiểu kỹ càng cẩn thận. Một lần nữa cho thấy, để tham gia thị trường tài chính cần có kiến thức và kinh nghiệm, không thể chỉ nhắm mắt nghe tư vấn để đầu tư. Cần tìm hiểu kỹ về trái phiếu, xem tổ chức phát hành có uy tín không, dòng tiền kinh doanh có tốt không, trái phiếu có tài sản đảm bảo tốt không, phương án sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu có hợp lý không ……

Trái phiếu vỡ nợ thì thu hồi tiền thế nào?

Cũng giống như các khoản vay, khi doanh nghiệp không thể trả được nợ thì người ta sẽ tìm cách thu hồi tiền đã cho vay, tuy nhiên tùy mức độ và tính chất của khoản vay mà có thể đòi được tiền hay không.

Như đã nói ở trên, việc thu hồi tiền cho trái chủ có thể chia làm 3 trường hợp như sau:

-        Trái phiếu có đảm bảo thanh toán thì tổ chức đứng ra đảm bảo sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả gốc và lãi cho trái chủ. Tuy nhiên số trái phiếu có đảm bảo thanh toán thường rất ít.

-        Trái phiếu có tài sản đảm bảo: việc thanh lý tài sản để trả tiền cho trái chủ sẽ được thực hiện, tuy nhiên đây là quá trình pháp lý rất dài và  phức tạp, nhiều trường hợp doanh nghiệp chây ì không bàn giao tài sản để cơ quan chức năng làm thủ tục phát mại, hoặc khi phát mại giá trị tài sản bị sụt giảm không đủ số tiền trái phiếu đã phát hành….

-        Trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, không được bảo lãnh hay còn gọi là “trái trơn” thì gần như nhà đầu tư trái phiếu không còn cơ hội đòi lại số tiền của mình. Vì khi thu hồi tài sản của doanh nghiệp thì thường các tài sản này đã được gán cho những nghĩa vụ nợ khác của doanh nghiệp rồi.


Nhận xét